Du khách khi đến một địa phương lúc trở về đều mua những thức ngon vật lạ để làm quà cho người thân, bạn bè, và những món bánh luôn được quan tâm đặc biệt.

Có lẽ, món quà bánh này “chở” trong nó “hương vị” mà du khách cũng như người thân, bạn bè không thể tìm thấy được ở nơi nào khác.

Dưới đây là Top 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng Việt Nam do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập từ tháng 8/2012, căn cứ theo Bộ tiêu chí giá trị đặc sản Việt Nam:

1. Bánh cốm Hàng Than (Hà Nội)

Đến Hà Nội, cả những người ở Hà Nội hay cả người nước ngoài đến Hà Nội, bao giờ cũng tìm đến Hàng Than mua bánh cốm. Và có bao nhãn hiệu bánh cốm nổi tiếng như: Nguyên Ninh, Anh Ninh, Bảo Minh… nhưng bánh cốm Hàng Than vẫn là tên gọi để chỉ một món ngon, một thức quà của người xa xứ, hay trong những đám cưới hỏi. Bánh đi khắp nẻo đường, như mối ân tình của người tặng quà và người nhận quà vậy.

Bánh cốm Hàng Than

Để có một chiếc bánh cốm thơm ngon tinh khiết, người làm bánh phải chọn những hạt cốm đuợc làm từ hạt thóc nếp già, cho ra loại cốm già loại một, cốm đều, mịn màng, thơm, tinh khiết, không mốc, không chua. Cốm được làm ra cho vào hũ tránh mốc, ẩm để có thể làm bánh được quanh năm. Tuy nhiên, bánh cốm ngon nhất vẫn là bánh được làm vào mùa thu, mùa cốm.

2. Bánh phu thê Đình Bảng (Bắc Ninh)

Bánh phu thê là một nét đặc trưng của đất Kinh Bắc. Bánh được gói bằng lá dong rồi đem luộc lên. Khi mở ra, dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh hiện ra. Nào đậu xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và hương ngũ vị. Bột làm bánh được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô. Khi làm bánh, dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy mầu sắc tự nhiên. Đu đủ xanh được nạo rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh thêm độ giòn.

Bánh Phu Thê Bắc Ninh

Khi ăn, bạn sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đậu xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường… tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm mầu của bánh. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người.

2. Bánh đậu xanh (Hải Dương)

Bánh đậu xanh ra đời tại Hải Dương vào những năm đầu thế kỷ 20, được làm nên từ bốn loại nguyên liệu đồng nội vốn rất gần gũi với mọi người dân Việt Nam. Đó là đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn (heo) (nay được thay bằng dầu thực vật) và tinh dầu hoa bưởi.

Bánh đậu xanh Hải Dương

Cái quý và độc đáo của bánh nằm ở những công đoạn rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người thợ làm nghề. Ðậu xanh phải là loại xanh vỏ, vàng lòng, được chọn lọc công phu, đem rang khô, xay vỡ, sảy sạch vỏ, cho vào chảo rang nhỏ lửa để nhân đỗ chín vàng. Một nét “duyên thầm” chỉ thấy nơi loại bánh này, là dù qua bao nhiêu thời gian, cải tiến mẫu mã cách đóng bánh vẫn theo quy chuẩn: 10 khẩu mỏng xếp thành 5 hàng (8,5 x 3,2 x 1,1cm) nặng 45g.

4. Bánh cáy (Thái Bình)

Bánh cáy làng Nguyễn (Đông Hưng, Thái Bình) làm hoàn toàn bằng nông sản quê hương: nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng giòn rụm, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, hương bưởi dịu thơm cho món bánh thêm hấp dẫn.

Bánh cáy Thái Bình

Bánh cáy được người dân Thái Bình xem như một thứ của ngon vật lạ, luôn được chọn làm quà biếu họ hàng, bè bạn. Và, miếng bánh cáy dẻo ngọt thơm ngon cũng là món quà không thể thiếu của du khách từ các tỉnh thành khi đến Thái Bình.

5. Bánh nhãn Hải Hậu (Nam Định)

Gọi là bánh nhãn vì bánh làm ra trông xinh xắn, vàng ươm như những quả nhãn. Bánh nhãn được người trong Nam, ngoài Bắc yêu thích vì sự giòn ngọt mát của thứ bánh thoạt trông đã thấy hấp dẫn.

Bánh nhãn Hải Hậu

Làm bánh nhãn, cần nếp Hải Hậu, trứng gà tươi, đường kính trắng, mỡ lợn tươi ngon. Gạo nếp xay nhỏ, rây kĩ. Bánh nhãn không nhào bột nếp với nước mà nhào luôn vào trứng gà đã đánh tan. Bột nếp và trứng gà phải được nhào thật khéo để được hỗn hợp dẻo, mịn. Bánh nhãn được nhâm nhi bên chén trà buổi sớm, ấm áp bên tách cà phê xế chiều hay đơn giản, mời nhau cho câu chuyện thêm vui đều mang lại vị ngọt ngào, lôi cuốn.

6. Bánh gai Tứ Trụ (Thanh Hóa)

Tứ Trụ thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 40 km về phía Tây. Thế kỷ thứ XV, Tứ Trụ nằm trong vùng căn cứ khởi nghĩa Lam Sơn do anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo.

Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ khởi đầu là do người làng Mía trong vùng làm ra để cúng giỗ Lê Lợi, Lê Lai, cúng ông bà Tổ tiên trong Tết Nguyên đán và lễ hội trong năm. Dần dần nghề làm bánh gai được phổ biến ở các làng vùng Tứ Trụ xã Thọ Diên và trở thành đặc sản của xứ Thanh nổi tiếng cả nước. Bánh gai Tứ Trụ có hương vị ngon mà các loại bánh ngọt khác không có được.

7. Bánh khô mè Cẩm Lệ (Đà Nẵng)

Mỗi làng nghề cổ truyền đều có những nét đẹp cổ truyền riêng biệt, Cẩm Lệ cũng vậy. Bên cạnh sự thanh bình của làng quê ven đô, Cẩm Lệ còn gây ấn tượng bởi những cánh đồng mía ven bờ sông. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để làm đường non cho món bánh khô mè Cẩm Lệ.

Bánh khô mè Cẩm Lệ

Bắt nguồn từ một món ăn ngày lễ Tết của những người dân nghèo hồi xưa, đến nay bánh khô mè đã phát triển thành một đặc sản của người Quảng. Bánh được sản xuất quanh năm ở một số vùng thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng. Song nổi tiếng hơn cả vẫn là bánh khô mè Cẩm Lệ.

8. Bánh phồng sữa dừa Bến Tre

Bánh phồng sữa dừa, một trong những đặc sản của tỉnh Bên Tre. Đây là món quà được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng… theo một công thức, tỷ lệ hợp lý.

Bánh phồng sữa Bến Tre

Từ lâu Bến Tre đã là địa danh yêu mến của nhiều du khách. Đây là vùng đất ba dãy cù lao hợp thành, xung quanh bao bọc bởi những dòng sông, con rạch hiền hòa, êm dịu, phủ mát bóng dừa xanh. Cùng với nhiều sản phẩm khác, bánh phồng sữa dừa đã trở thành “quà tặng” thân thiết dành cho gia đình, người thân, bạn bè… của những người một lần đến với mảnh đất cù lao Bến Tre. Và, hương vị đặc trưng của loại bánh này được sản xuất từ các doanh nghiệp, cơ sở như Thiên Long, Thanh Long, Thủy An, Tuyết Linh…

9. Bánh phồng tôm Sa Giang (Đồng Tháp)

Bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng từ lâu. Từ con tôm nước ngọt như tôm tích, tép mòng, tép ròng… qua bàn tay chế biến khéo léo của con người đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền thống đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.

Bánh phồng tôm Đồng Tháp

Những khi lễ, Tết, liên hoan, tiệc tùng… đĩa bánh phồng tôm thường có mặt trang trọng trên mâm cỗ. Sản phẩm bánh phồng tôm Sa Giang của xứ Sa Đéc ngày nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có mặt khắp nơi và còn là một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của Đồng Tháp được ưa chuộng.

10. Bánh pía (Sóc Trăng)

Bánh pía là những chiếc bánh có hình dáng nhỏ, tròn, không quá bở, mềm và có một độ dẻo vừa phải để có thể ngậm vào miệng mà không tan ngay. Nhưng điều đặc biệt là vị ngọt thơm nguyên chất hương sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Đó cũng là nét thuần Việt mà chiếc bánh pía có được như một hương vị gắn liền với cuộc sống người Sóc Trăng cũng như người Nam Bộ hàng trăm năm qua.

Bánh Pía Sóc Trăng