Mùa gió đang về. Lũ con xa có gốc gác từ những làng chài chắc là đang nhớ lắm chén mắm mực quê nhà.
Xưa nay, công việc làm mắm thường thuộc về những bà nội trợ khéo tay ở vùng sông nước. Riêng mắm mực lại do chính những chàng trai biển muối từ ngoài khơi trong những phiên biển dài ngày. Khi mẻ lưới giã cào vừa được cảo (kéo) lên, ngư dân xúm vào phân loại cá, gặp những con mực nhỏ bằng ngón tay cái, da còn ngời lên màu tím sẫm thì để riêng ra.

Lựa cá xong ai cũng chăm chú làm mắm. Lần lượt cứ một chén muối “cõng” ba chén mực, trộn đều, cho vào can nhựa. Mắm mực có màu hơi đen do túi mực tiết ra. Người sành ăn mắm mực cho rằng túi mực là tinh chất của con mực. Vì thế nếu bỏ túi mực trước khi muối, con mực trông “sáng sủa” hơn nhưng độ ngon của mắm sẽ giảm hẳn.

Hình như người muối mắm mực đã tính toán trước, nên sau hai tháng từ khi muối đến lúc mắm chua thì ngày đông tháng giá cũng đã về. Mắm mực đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”. Vừa mở nắp can ra, người đi ngoài ngõ đã hít hà: “Chà, nhà này có mắm mực thơm ác liệt”. Lũ nhỏ chơi đâu đó, nghe mùi mắm mực, biết là đến bữa cơm liền ù té chạy về, khỏi cần mẹ gọi.

mắm mực
mắm mực

Thật lạ lùng, trời lạnh chừng nào ăn mắm mực thấy ngon chừng ấy. Bữa cơm nào chén mắm mực cũng… lên ngôi, “chễm chệ” giữa mâm, bên cạnh là đĩa thịt heo luộc ít nạc nhiều mỡ và đĩa rau luộc, thường là rau lang, ngọn bí, rau cải, hoặc rau tươi.
Mắm mực có thể ăn sống. Vì con mắm hơi dai nên phải dùng đũa gắp lên rồi lấy kéo cắt ra từng mẩu nhỏ cho vào chén đã có sẵn gừng, ớt. Ăn thế gọi là ăn mắm “gin”. Không muốn ăn sống thì kho với một ít thịt heo. Khi ấy con mực sẽ co lại và rất mềm. Nhiệt độ khiến mắm mực và miếng thịt “tương tác” lẫn nhau nên cả hai đều có mùi vị rất đậm đà.

Gắp đũa rau, chấm vào chén mắm mực, dù là mắm sống hay đã kho, và cùng với miếng cơm thì ngon đến mức… quên lời mẹ dặn “ăn phải coi nồi”. Nếu chấm mắm mà lát gừng dính theo thì quá “hên”, vì miếng mắm mực vốn đã ngon lại càng thêm nồng nàn, và cái lạnh chiều đông phút chốc như tan biến.