Cái xóm nhỏ ẩn nhẫn nép mình sau những động cát ấy có cái tên thật tham vọng: Động Cao. Mùa này, cả xóm đỏ màu tôm luộc. Tôm đất chạy vô đáy hàng khơi ở Mỹ Long, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh từng làm cho Vĩnh Kim nổi tiếng với mặt hàng tôm khô danh giá. Nhưng khi dân Mỹ Long lo nuôi tôm sú công nghiệp, đáy hàng khơi thưa dần. Động Cao, Duyên Hải may mắn còn sót lại, bù vào chỗ trống, mùa này trúng đậm tôm đất. Điểm luộc tôm duy nhất ở Động Cao là nhà anh Tiến Hải, bề bộn công việc cân tôm, luộc chín… Chị Loan, vợ ông chủ lò, dọn cơm với những món “tối giản”: tôm khô – dưa món, mực tươi luộc giấm gừng, và nhất là hắc cáy — nước mắm me…

 

Anh Tiến Hải chỉ cách nhận biết hắc cáy.

 

“Nói hơi quá, nhưng thực tình đôi lúc có tiền cũng không mua được hắc cáy”, anh Hải nói. Có hai lý do: một là vùng này có mấy trăm chiếc ghe nhưng cả năm rồi chỉ bắt chừng 40 — 50 con. Hai là do ít có nên hầu hết ngư phủ xẻ khô để trên tàu lai rai với bạn.

 

Có ai nấu món ngon khi hắc cáy còn tươi? “Không ngon bằng làm khô, nhưng nếu nấu hắc cáy tươi thì chỉ thưởng thức một lần. Phơi khô mới có thể đãi bạn dài dài”, anh Hải nói.

Nhẩn nha nhai càng lâu càng thấy vị ngọt tự nhiên tươm ra từ từng sớ thịt. Không cần nêm nếm, sớ thịt tự nó đậm đà vị mặn của biển cả; tự nó vừa khẩu vị của mọi người; tự nó làm cho người ta nhận ra điều khác biệt với thỏi cá đuối dơi hay cả dòng họ nhà cá đuối trong đại dương mênh mông phía sau Động Cao.

 

Trong loài cá đuối, hắc cáy đang được giá. Do những đốm trắng trên lưng, hắc cáy còn được ngư dân gọi là ó sao. Đóng đáy hàng khơi giăng giăng nhưng chỉ là tuyến lộng, muốn tìm được hắc cáy, ngư dân Động Cao phải vượt tuyến lộng (vượt ra ngoài 10 hải lý) ra khơi. Càng ra xa họ phải cầu nguyện để được che chở và quay về an toàn. Ông Ba Nghĩa, ngư dân Mỹ Long gắn đời mình với tuyến lộng lẫn tuyến khơi, nói: “Ngày xưa ra khơi chỉ sợ giông tố, bây giờ có thể bị bắt bớ, giam giữ chuộc tiền. Nguồn lợi từ con tôm, con cá khoai, cá chét chứ đâu phải chỉ toàn hắc cáy mà lo đủ tiền chuộc”.

 

Hắc cáy giờ đây gần như đã lui vào trong huyền thoại. Những nơi một thời nổi tiếng về hắc cáy như quán Ngọc Hiệp ở Bình Đại, vài năm nay cũng bữa đực bữa cái khi có khi không. Những con hắc cáy đen tuyền chỉ nhỉnh hơn cái quạt nan. Lớn hơn nữa thịt bắt đầu ngả sang màu xám. Người sành ăn không chấp nhận loại này.

Sài Gòn mấy năm trước cũng thỉnh thoảng có hắc cáy. Nhưng loại thịt đen tuyền cũng không nhiều.

Động Cao có vẻ như được trời đãi khi cả năm bắt được tới 40 — 50 con.