Người Tây Nguyên có trồng một giống cà gọi là cà đắng – prền bơtang vì có vị rất đắng, trên đất rẫy và cả trong vườn nhà. Loài cà này để lại nhiều tên gọi như ruộng Cà đắng – Sơre Prền ở Di Linh, Đưng Prền ở gần thác Prenn bây giờ.

cá đắng

cá đắng

Ngày xưa, không biết là từ lúc quân Nhật xâm chiếm nước ta hay trước nữa, khi người Nhật đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên, đã để lại cho vùng đất này một loài Cà mới, mà người Kơ Ho gọi cây cà này là prền Nhật-cà Nhật. Tuy bà con không trồng nhưng đây là một loại cây cà mọc rất khỏe, bụi to, ở khắp nơi trong rừng trong rẫy, ở cả những vệ đường, cạnh khe suối.

Hai loài cây cà Nhật và cà Đắng của “người đồng bào” nhìn cũng gần giống nhau, đều là cây có gai nhưng cà Nhật quả to hơn cà Đắng, cà Nhật có hoa màu trắng quả màu xanh nhạt, còn cà Đắng thì lại có hoa màu tím quả màu xanh đậm hơn. Cà Đắng và cà Nhật đều có mùi thơm, cà Nhật có mùi thơm ngọt còn cà Đắng có mùi thơm của vị đắng.
Cà Nhật không có vị đắng mà rất ngọt, còn loại cà Đắng của “đồng bào” thì rất đắng, nhưng nhiều người vẫn thích vị đắng của cà này. Nếu giã cà Đắng với gạo rồi nấu cháo thì cháo cà vừa ngọt vừa có vị hơi đắng. Với cà Nhật bà con chỉ nấu với cá đã phơi khô, thịt khô hoặc nấu chỉ mỗi món cà không, chứ không dùng nấu cháo như cà Đắng. Người già rất thích ăn loại này, thậm chí có người già chỉ nấu cà không, mà không cần cho gia vị gì, chắc để được ăn hương vị thô mộc như vậy.
Cà Đắng là một loại cà ít dân tộc nào biết ăn, nhưng đối với người Kơ Ho thì là món ăn rất quen thuộc và rất tốt cho người đau ốm. Có người nói vị đắng này giúp tiêu mỡ độc, phòng bệnh tiểu đường,…

Theo Báo Lâm Đồng