Bánh gai là một thứ quà quê quen thuộc với nhiều người. Bánh gai Hải Dương ngon có tiếng, bánh ít lá gai Nam bộ cũng thật hấp dẫn… nhưng bánh gai của người Tày, Nùng ở Cao Bằng thì phải nói khá là đặc biệt.

Bánh gai Cao Bằng

Bánh gai Cao Bằng gắn liền với một truyền thuyết. Người dân nơi đây vẫn kể rằng vào thời vua Lý Thái Tông (đầu thế kỷ 10), giặc Tống sang xâm lược nước ta, thủ lĩnh của người Cao Bằng là Nùng Trí Cao đã chỉ huy quân dân vùng biên ải đánh giặc. Đồng bào làm bánh gai cho các chiến binh đem theo làm lương khô ra trận. Bánh được xâu thành từng cặp để đeo bên người cho tiện cho nên người Tày, Nùng gọi là pẻng tải (bánh đeo).

 

Gạo để làm bánh phải là loại nếp ngon, không lẫn tẻ, có vậy bánh mới mềm và dai, ăn không cứng. Nếp được ngâm chừng một buổi cho no nước, xay trong cối đá thành một thứ bột đặc sánh, đựng trong túi vải, treo lên cho róc nước.

Lá gai đã được hái về từ trước, tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh, khi đun bỏ thêm chút vôi tôi cho mau nhừ. Xong, rửa sạch, vắt khô, thái mịn. Đường phên (một loại đường thẻ, miếng to chừng bàn tay) đun cho sôi chảy rồi trộn với lá gai thành một thứ mật sền sệt. Người ta nhào mật này với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn.

Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau thơm nức.

Bánh gai gói bằng lá chuối, hình dẹt. Nhân bánh gai được làm bằng lạc rang giã nhỏ hoặc đỗ xanh trộn đường. Bánh hấp trong chõ như đồ xôi. Từ lúc nước sôi cho đến khi bánh chín, chừng tàn

Khi ăn, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu. Ăn không ngấy.

Bánh gai có thể để nhiều ngày mà không sợ mốc. Nếu để lâu, bánh khô, người ta có thể đem nướng trên than hồng, bánh nở phồng, ăn vẫn ngon. Hoặc có thể đem rán lại cho bánh mềm, ăn có vị ngon riêng.

Trước kia, người Cao Bằng thường chỉ làm bánh gai vào dịp rằm tháng bảy, vừa để cúng tổ tiên, ông bà vừa để ôn lại câu chuyện về những ngày hào hùng xưa kia. Bây giờ bánh trở thành một món quà dân dã, thường có bán trong những ngày chợ phiên, những quán nước. Khách nơi xa đến Cao Bằng bao giờ cũng mua lấy mươi cặp bánh gai đem về làm quà cho người thân, như để giới thiệu một chút văn hóa của một vùng đất biên cương.