Vừa thơm mềm hạt gạo, vừa béo bùi vị lạc, vừa đậm đà với cá khe, cá suối. Vừa như cháo, mà lại không phải cháo. Đó là món canh uôi độc đáo của người Mường, người Thái xứ Thanh.

Nếm thử một lần, hẳn bạn sẽ không thôi thú vị về hương vị cũng như cái tên độc đáo của món ăn này.

Ngọt lòng với bát canh uôi
Ngọt lòng với bát canh uôi

Uôi là món ăn được nấu từ gạo tẻ giã nhỏ, cùng với lạc hoặc tôm, cá. Trong ẩm thực của người Thái, Mường, uôi được coi là một món canh. Đặc biệt ở chỗ món canh này không phải để ăn suốt bữa cơm, mà là món lót dạ để chủ khách ấm lòng trước khi khề khà bên chén rượu.

Sáng sớm, khi người chồng ra suối, người vợ ở nhà đã ngâm sẵn nắm gạo nương thơm dẻo. Chỉ ngâm độ 3-4 tiếng cho gạo đủ mềm, giã trong cối đá vừa đủ tơi mà không quá nát. Tuyệt nhất là nấu canh uôi với nước luộc các loại thịt, để cái béo ngậy quyện vào với vị thanh tao của hạt gạo nương. Tôm hoặc cá tươi rói vừa xúc ở khe, suối được xào sơ cho săn, nêm gia vị đậm đà rồi đun lên với nước dùng, đến khi nồi nước sôi bùng lên thì mới nhẹ tay rắc gạo đã giã vào nồi. Một tay rắc, một tay khuấy thật đều để nồi canh không bị vón cục và sánh đặc. Cứ khuấy đều khoảng chừng 15 phút đến khi gạo chín hẳn, nồi canh sóng sánh mà không đặc thì rắc thêm mấy cọng hành, mùi cho thơm dậy.

Bát canh uôi thơm thơm mùi gạo mới, sóng sánh mà không bị sánh nhựa như cách nấu cháo thông thường. Húp bát canh, thi thoảng lại bắt gặp miếng tôm ngọt đậm đà, lát cá suối vẫn còn vương vấn vị ngon mộc mạc nguyên sơ của núi, của rừng. Nếu muốn món canh thanh đạm, có thể thay tôm, cá bằng lạc tươi giã nhỏ. Vị béo ngầy ngậy của hạt lạc hồng hồng ẩn hiện trong bát canh gạo trắng thật thú vị và lạ miệng vô cùng.

Món uôi thường được người Mường, Thái nấu trong những lễ làm vía cho cả trẻ con và người lớn. Từng bát canh trắng được xếp quanh mâm cơm cúng tượng trưng cho hồn vía của người thân, bạn bè quây quần xung quanh. Khi thầy mo dứt bài cúng, mỗi người sẽ húp cạn bát canh để tỏ lòng quan tâm đến người được làm vía trong buổi lễ hôm ấy. Canh uôi không chỉ là món ăn thường ngày, mà còn thấm đẫm hơi thở tâm linh của người dân các bản Thái, bản Mường.

Nếu một lần về vùng núi xứ Thanh, được chủ nhà tự tay giã mẻ gạo nương để đãi khách món canh uôi thơm ngọt, mới biết lòng mến khách của người dân nơi đây chân thành và mộc mạc đến chừng nào.