Cu đơ, tên gọi của một loại bánh đã đi vào tiềm thức bao thế hệ người dân Hà Tĩnh nói riêng và người Việt Nam nói chung.Từ thưở xa xưa, rất xưa, không ai nhớ là tự bao giờ nhưng trên mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng gió và thiên tai, người dân nơi đây đã biết trồng mía lấy đường, một dưỡng chất không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Từ đường mía, người ta đã biết nấu thành mật, phụ gia để chế biến trong các món ăn và là nguồn thực phẩm quan trọng.

Cu đơ là một món quà quê dân dã, nhìn có vẻ thô ráp, sần sùi nhưng có mùi hương đậm đà, vị ngọt ngào của mật mía hòa quện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, cái giòn tan và hương thơm đặc trưng của lạc, cùng với bánh tráng vừng đen được nướng đúng độ tạo nên một hỗn hợp bánh vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay… ăn rất “vừa miệng” .Người ta vẫn nói Cu đơ là nét độc đáo có vị ngọt bùi cay đắng như cuộc đời của những người dân Hà Tĩnh.

kẹo cu đơ
kẹo cu đơ

Ăn kẹo cu đơ mà quên một thức uống hết sức phổ biến, hết sức bình dân là nước chè xanh, thì vị ngon kể như đã giảm mất một nửa. Nước chè xanh đi với kẹo cu đơ, tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Vị ngọt đậm của mật mía, vị bùi bùi của lạc…, ăn xong miếng kẹo, chiêu một ngụm nước chè tươi, cái mùi vị béo ngọt, thơm cay dìu dịu thấm dần rồi lan tỏa trên đầu lưỡi để lại cảm giác khó quên cho ai đã được một lần nếm thử …

Theo nhiều người kể, Cu Đơ là một nhân vật vốn có tên là cu Hai. Vì số 2, tiếng Pháp gọi là ” đơ”( deux) do đó người ta gọi đùa ông là Cu Đơ, để đối chọi một cách nghịch ngợm với cái tên Đờ – cu (Decoux) – viên toàn quyền bại trận ở Đông Dương thời Đại chiến thế giới thứ hai, vốn dĩ mang cái chất thiếu thanh lịch khi nghe gọi qua ngôn ngữ Việt Nam. Cu Hai, người Hương Sơn nấu kẹo lạc vào hồi sơ tán lần thứ nhất, để bán tại một quán nước chè xanh do ông bán. Sáng kiến của ông là dùng bánh tráng thay cho miến giáy lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay. Sáng kiến này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, vừa sạch sẽ, vừa đỡ mất công bóc giấy mà ăn lại vừa ngon, giòn, rất khoái khẩu.

Hiện nay, kẹo Cu Đơ chỉ mới mang giá trị về văn hóa , mặc dù nó được chấp nhận như tên một nhãn hiệu nhưng do nó dễ nấu nên đã phát triển ở nhiều nơi không những ở khắp Hà Tĩnh mà còn lan ra cả miền Trung và một số làng nấu kẹo miền Bắc.

Cách làm

Một chiếc bánh Cu đơ làm ra phải trải qua nhiều công đoạn và khá công phu, từ khâu chuẩn bị chất liệu đến khâu chế biến.

Chọn mật mía phải là loại mật mía ngon, đặc và nguyên chất.

Chọn loại bánh đa vừa phải, không dày, không mỏng được tráng bằng vừng đen rồi quạt chín.

Lạc cũng là một trong những nguyên liệu quyết định Cu Đơ ngon hay không? Chọn lạc chắc và đều . Lạc phải được rang lên bằng lạc củ, rồi sau đó mới bóc thành lạc nhân, như thế lạc mới không bị cháy mà còn thơm và giòn tan trong miếng bánh.

Mật mía được bỏ vào chảo ( chuyên dùng), sau khi đun sôi chảy, cần thêm một số phụ gia như gừng, bột mạch nha để bánh được mềm hơn sau khi tráng.

Khi mật ngả màu vàng thì cho lạc vào đảo đều, khi hỗn hợp đủ sánh lúc đó là đã vừa độ, người làm bánh sẽ dùng những miếng bánh tráng cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau.( Để biết vừa độ người ta dùng bát nước lạnh rồi nhỏ giọt mật vào đấy nếu giọt mật đông vừa đủ là được, đây là thười điểm quyết định cu đơ ngon hay không do vậy bạn phải có kinh nghiệm thì sản phẩm mới ngon , đẹp và để được lâu)

Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến cu đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào giấy báo và đựng vào túi nilon để bánh được giòn lâu và không bị ẩm.

Việc nấu kẹo có vẻ dễ dàng tuy nhiên để có được những tấm kẹo cu đơ vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay… ăn rất “vừa miệng” thì quả là điều không dễ. Nếu ai muốn có những miếng kẹo ngon thì cứ đến ông bà Thư Viện mua về để ăn và đúc rút kinh nghiệm .

Địa chỉ mua kẹo Cu Đơ 

Kẹo Cu đơ được bán rất nhiều ở khu vực Cầu Phủ ( Thị Xã Hà Tĩnh ) . Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất là Cu đơ của ông bà Thư Viện ( Ở gần đường vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Tĩnh )