1. Chả mực Hạ Long (Quảng Ninh):

Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (chỉ mực mai).

Chả mực Hạ Long. Ảnh: VK.

Chất lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng…

2. Dê núi Trường Yên 6 món (Ninh Bình):

Dê núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê nuôi khác.

Dê núi. Ảnh: VK.

Từ thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món độc đáo: tiết canh dê, áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê… Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê… ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế…

3. Chắt chắt (Quảng Bình):

Chắt chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Để lấy thịt chăt chắt, trước tiên xát rửa thật sạch, bắc nước thật sôi rồi đổ chắt chắt vào, dùng đũa đánh đều để ruột tách ra khỏi vỏ, rồi đem đãi (như đãi gạo vậy) lấy ruột. Riêng nước luộc để thật lắng, lọc đem nấu canh hoặc nấu cháo.

Món chắt chắt xúc bánh tráng. Ảnh: VK.

Thường thì chắt chắt nấu canh với mít non, rau lốt. Ngoài nấu canh, nấu cháo có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt.

4. Bánh bèo (Thừa Thiên – Huế):

Bột đổ làm bánh bèo sao cho khéo để cho bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào mê (20 chén mỗi mê) đem hấp hơi (hấp cách thủy). Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên.

Bánh bèo Huế. Ảnh: VK.

Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ.

5. Chả giò (Sài Gòn):

Tùy theo từng miền, chả giò có tên gọi khác nhau. Nem rán là cách gọi ở miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là chả cuốn, còn ở miền Nam thì có tên chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng, nem Sài Gòn thường có thêm củ sắn cho mát ruột, không thì thay bằng khoai môn hoặc khoai lang. Riêng phần nhân chả giò thì cũng tùy nơi, tùy người mà được thay đổi một cách tinh tế, như nhân tôm, nhân hải sản…

Chả giò. Ảnh: VK.

Chả giò Sài Gòn có nhiều loại: chả giò trái cây, chả giò chay, chả giò hải sản, chả giò gói bằng hoành thánh, chả giò rế, chả ram, nhưng dù sao cũng phải tùy theo nguyên liệu chính mà chọn các phụ gia và rau làm cho món ăn đậm đà và hợp khẩu vị.