Cá bống sông Trà kho tiêu
Thiên nhiên không ưu đãi, nên người miền Trung chịu thương chịu khó để có cái ăn. Qua thời gian, các món ăn trong những bữa cơm đạm bạc đó lại có những món đã trở thành đặc sản mà khiến người dân vùng miền khác phải ngưỡng mộ.
Có bốn đặc sản ở Quảng Ngãi được kết vần thành điệu: “chim mía Xuân Phổ, kẹo gương Thu Xà, cá bống sông Trà, mạch nha Mộ Đức”. So với các đặc sản kia thì xem ra món cá bống sông Trà kho tiêu được nhiều người thích nhất bởi nó không kén người ăn.
Ở sông Trà cũng có nhiều cá bống nhưng để có món cá bống kho tiêu hảo hạng, nhất thiết phải là con cá bống cát sống ở giữa sông. Khoảng tháng tư, tháng năm âm lịch, cá bống nhiều nhất. Lúc này cá nhiều trứng, mập nung núc. Bà Tình, chủ quán cơm Cây Gòn trên đường Bà Triệu (Quảng Ngãi) cho biết, trứng cá bống trôi từ đầu nguồn trên núi xuống đến khúc giữa sông thì nở thành cá. Cá bống sống ở giữa đoạn từ cầu xe lửa trên núi chảy thẳng ra biển. Nước sông Trà trong, con cá bống lủi dưới cát trắng nên thịt dai, thơm, mình thon cỡ ngón tay út. Đó là cá bống sông Trà chính hiệu.
Ngay cả bà Tình với hơn 20 năm trong nghề kho cá bống bán cũng không biết con cá bống sông Trà nổi tiếng từ bao giờ. “Ngày xưa, chỉ cần ra sông dùng vợt vớt một lần được cả tô cá. Nhưng từ khi làm cái cầu nước cạn, cá bống ở sông Trà đang ít đi”, bà Tình tiếc nuối.
Món canh chua cá bống ngon, nhưng kho tiêu vẫn là ngon nhất. Muốn kho tiêu thật ngon thì con cá phải còn sống. Cho cá vào rổ xát với muối cho sạch vảy. Như món cá kho tiêu khác, cũng ướp cá với chút đường, nước mắm, muối, tiêu, bột ngọt… cho thấm trước khi kho. Nghe đơn giản nhưng phải biết cách kho nếu không cá nát hết. Nhưng để cho ra món cá kho đặc sản đúng hương vị xứ Quảng thì phải dùng các đặc sản xứ Quảng như nước mắm Kỳ Tân, đường trắng An Thới, tỏi Lý Sơn, tiêu rừng vừa thơm vừa cay. Có lẽ vì vậy mà tại Sài Gòn chỉ bán món cá bống sông Trà đã được kho sẵn.
Con cá bống được kho quéo lại, thịt săn chắc, không cứng, không mềm. Và kho cá ngon nhất vẫn là kho bằng cái trách đất, sanh đất, niêu đất… bất cứ thứ gì bằng đất nung để các hương vị được chất thổ dẫn truyền, quyện vào nhau tạo ra một hương thơm quyến rũ.
Thêm vài trái ớt hiểm để nồi cá thêm bắt mắt, kho cá nhà sau hương thơm đã lan ra ngoài ngõ ngào ngạt. Món cá bống kho tiêu ăn với cơm trắng, thêm dĩa rau muống luộc chấm với nước cá kho – đơn giản vậy mà hết… ý. Hoặc chỉ cá bống kho tiêu ăn với cháo trắng, toát mồ hôi cũng đã rồi. Ăn phải con cá bống có đùm trứng vàng thì lại thêm vị béo bùi thật tuyệt.
Bà Tình cho biết, cá bống kho tiêu giữ được cả tháng, kho xong dưới mười ngày ăn rất ngon. Ban đầu quán Cây Gòn kho cá bống bán kèm cơm, thực khách khen ngon mua về nhiều dần dần quán cơm phát triển thành cơ sở như bây giờ. Mỗi lần quán kho 30 sanh, một sanh hơn một ký cá. Kho năm ba bữa, đợi cá khô rồi cho vào hũ bán đi khắp nơi, cả xuất sang nước ngoài.
Có vậy nên người Quảng Ngãi cải biên: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”.
Theo nguồn dacsanque.com.vn