Hồi còn ở Huế, cứ vào độ mùa thu, cũng là mùa nấm tràm đến, khắp các chợ đâu đâu cũng thấy người ta bán nấm. Nấm tràm có màu nâu tím, hình dáng rất đẹp nhưng vị thì đắng không thể tả nên trẻ em hầu như chẳng có đứa nào thích.

Chắc đây là thứ nấm duy nhất người ta phải gọt vỏ để nấu nướng, công đoạn này thường khá mệt và tốn nhiều thời gian nên hầu hết ở chợ người ta đều bán kiêm luôn gọt vỏ. Thứ nấm này khá rẻ, cứ sau mỗi trận mưa là y như rằng hôm sau khắp chợ đều có nấm. Nghe mẹ nói nấm này mọc ở rừng, không phải trồng gì hết, cho đến tận bây giờ tôi cũng chẳng rõ là nấm này mọc dại hay được trồng, chỉ biết là lâu lâu lâu lắm rồi chưa được ăn lại món canh nấm, cháo nấm ngày nào của mẹ nữa.

nấm tràm
nấm tràm

 Người ta thường nấu nấm tràm với rau khoai (rau lang) bởi có lẽ vị thanh mát của thứ rau này làm giảm đi phần nào vị đắng của nấm. Nấm mua về thường được gọt vỏ, ngâm nước muối cho sạch, bóp nhẹ cho ráo nước rồi sau đó mới đem nấu canh với tôm, rau khoai. Người Huế có thói quen nấu canh rau thường cho thêm tí ruốc nên canh thường đậm đà hơn. Ngoài nấu canh, các mẹ các chị còn đem nấu cháo, thứ cháo nấm có vị đăng đắng và một mùi thơm không thể tả được. Hồi đó còn bé, mỗi lần mẹ nấu món gì với nấm tràm là tôi thường nhăn mặt, bởi lẽ nó đắng quá, đã vậy mới ăn nấm này xong mà uống nước liền là vị đắng của nó “tê tái” hơn. Mẹ bảo thuốc đắng dã tật, nấm nó đắng vậy nhưng lại có tác dụng thanh nhiệt trong người rất tốt, nó còn hiệu quả hơn cả chục thứ thuốc mát gan mát phổi ấy chứ.

Hôm rồi gọi điện cho mẹ, con gái lâu ngày lại có dịp nũng niu, mẹ bảo để mẹ đi chợ mua nấm về phơi khô rồi gửi vào cho con gái… Yêu mẹ nhiều.