Chủ quán có lẽ là một người giỏi tiếp thị khi trưng cái bảng hiệu “Cháo sợi gia truyền” và dòng chữ “Bạn từng ăn cháo bằng đũa?” ngay góc ngã tư đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Cừ, khiến người qua kẻ lại tò mò ghé vào ăn thử.
Một tô cháo sợi nghi ngút khói được bưng ra nhưng khách lại thấy giống tô bún, nếm chút nước lèo thì hương vị như… hủ tíu. Trên bàn lại bày thêm xàlách, rau quế, hũ nước mắm ớt. Thật không biết đâu mà lần!

 

Cháo sợi – Đơn giản mà ngon

Loại sợi của món này được làm từ bột gạo, trông giống sợi bún tươi nhưng có độ dai hơn hẳn nên dễ bị nhận lầm là làm từ bột mì. Sợi bún được áo một lớp bột bên ngoài, cho bún vào tô và đổ nước lèo thật sôi vào, sợi bún sẽ chín luôn trong tô, còn lớp bột áo hoà vào nước lèo tạo ra độ sệt cho món ăn. “Đó là lý do khiến món này được gọi là cháo mà phải ăn bằng đũa”, anh Trần Đắc Tài – chủ quán, sau một hồi giải thích bèn kết luận như vậy để khách hiểu rằng mình quảng cáo không sai.

Theo lời chủ quán, đây là món ăn do một người cậu là Việt kiều hiện đang sinh sống ở Thái Lan truyền lại. Ban đầu, anh định đặt tên cho món ăn là bánh canh Thái Lan nhưng suy tính lại thấy không giống bánh canh lắm nên chuyển sang tên cháo sợi.

Chủ quán còn lưu ý cho khách: “Thêm sa tế cho món ăn ngon hơn”. Sa tế khô queo, không chút mỡ màng, có mùi như muối tôm, không có vẻ gì đặc sắc. Tuy nhiên, khi cho một ít sa tế vào thì hương vị của tô cháo sợi khác hẳn. Vị the the, cay cay của sa tế giúp hương vị của tô cháo đặc sắc và giống món… Thái hơn. Anh Tài cho biết, sa tế được xào bằng tỏi, ớt Thái Lan, hoàn toàn không có tôm. Sợi bún cũng được nhập từ Thái về, không có bán ở Việt Nam. “Ở Thái, món này không ăn rau nhưng khách ăn kèm rau lại hợp hơn”, chủ quán cho biết thêm.

Món Thái nhưng hương vị gần gũi và khá dễ ăn. Ngán cơm đi ăn cháo sợi kèm rau cho cơ thể nhẹ nhàng. Hoặc một tô cháo sợi cay cay đủ làm ấm cơn mưa chiều bất chợt. Sài Gòn nay lại xuất hiện thêm một món ăn có cái tên là lạ.